Nike, một cái tên từng được xem là “ông hoàng” không đối thủ trong lĩnh vực phụ kiện thể thao, hiện đang đối mặt với khủng hoảng doanh thu và giá cổ phiếu chưa từng có trong suốt 6 tháng qua. EURO và Olympic 2024 đang được kỳ vọng sẽ là những cơ hội để Nike và CEO John Donahoe tìm lại sự phục hồi trong thời gian tới.

Mất 28 Tỷ USD Chỉ Trong Một Ngày – Nike Lao Dốc Không Phanh

Nike mới đây đã báo cáo về tình trạng kinh doanh từ quý 4/2023 đến ngày 31/5/2024, với doanh thu giảm 2% xuống còn 12,6 tỷ USD. Họ dự kiến doanh số trong quý 2/2024 sẽ giảm tới 10%, lớn hơn nhiều so với mức giảm 3,2% mà các chuyên gia dự báo trước đó. Đồng thời, doanh số trong năm 2025 cũng dự kiến sẽ giảm khoảng một chữ số, ngược lại với dự báo tăng trưởng trước đó của thương hiệu. Đây là mức tăng trưởng ảm đạm nhất trong suốt 14 năm qua.

Ông hoàng phụ kiện thể thao – Nike đứng trước sự sụt giảm chưa từng có

Cùng với sự sụt giảm về doanh thu, niềm tin của các nhà đầu tư đối với thương hiệu này cũng tụt dốc mạnh mẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá cổ phiếu của Nike giảm tới 20%, tương đương với khoảng 28 tỷ vốn hóa thị trường bị “bay màu” chỉ trong một ngày. Đây là hiện tượng chưa từng có đối với thương hiệu trong suốt 20 năm qua.

Nguyên Nhân Nào Thật Sự Sụt Giảm?

Sự sụt giảm này được cho là do công ty đang trong giai đoạn chuyển đổi chu kỳ sản phẩm và thay đổi cơ cấu kênh bán. Tuy nhiên, khi nhìn vào tình trạng kinh doanh ảm đạm gần đây, có thể thấy Nike đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ mô hình kinh doanh đến chất lượng sản phẩm và danh tiếng thương hiệu.

1. Mô Hình DTC Khiến Nike Mất Đi Các Kênh Bán Quan Trọng

Nike đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể về gian lận chứng khoán tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Oregon vì đã đánh lừa các nhà đầu tư về sự thành công của mô hình Consumer Direct (DTC). Mô hình này, được phát triển từ năm 2020, đã hạn chế bán buôn và chuyển sang bán trực tiếp qua các cửa hàng riêng và kênh trực tuyến. Tuy nhiên, điều này khiến Nike mất đi các kênh bán quan trọng vào tay đối thủ, khiến lượng hàng tồn kho lên tới 9,7 tỷ USD.

2. Sản Phẩm Cốt Lõi Của Nike Bị Thay Thế Bởi Đối Thủ Mới

Việc giảm giá quá mức để bán hàng tồn kho đã làm giảm giá trị thương hiệu và sản phẩm. Các sản phẩm biểu tượng như Air Force 1 và Air Jordan 1 không còn hấp dẫn với khách hàng trung thành. Các đối thủ cạnh tranh non trẻ như On Running và Hoka đã giành được thị phần khi Nike thiếu sự đổi mới.

3. Chất Lượng Sản Phẩm Thụt Lùi

Nike đã gặp phải nhiều tranh cãi về chất lượng sản phẩm thể thao, đặc biệt trong thể thao chuyên nghiệp. Các cầu thủ Major League Baseball và đội tuyển điền kinh Olympic nữ Hoa Kỳ đã bày tỏ sự không hài lòng với sản phẩm và làm giảm uy tín của thương hiệu.

EURO và Olympic – Cơ Hội Cứu Cánh Của Nike Năm 2024

Vận động viên Olympic trong trang phục được tài trợ bởi Nike

Năm 2024 mang lại cho Nike nhiều cơ hội bứt phá với các sự kiện thể thao hàng đầu như EURO và Olympic. CEO John Donahoe đã khẳng định rằng Thế vận hội Paris là cơ hội để truyền đạt tầm nhìn thể thao của thương hiệu tới thế giới. Nike đã công bố thiết kế Mercurial 2024 và một số mẫu giày mới để chào đón Olympic và cũng đã tổ chức nhiều sự kiện lớn để ra mắt đồng phục và giày thể thao, kết hợp với các vận động viên nổi tiếng. Tuy nhiên, Olympic vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề về kênh bán và phân phối mà thương hiệu này đang đối mặt.

CEO Nike – John Donahoe đặt niềm tin vào Olympic 2024

Mặc dù Nike đang đặt cược lớn vào Olympic để tìm lại sự kết nối với người tiêu dùng và khẳng định chất lượng sản phẩm, thương hiệu này vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề nội tại và cạnh tranh trong thị trường ngày càng khốc liệt.

>>>>Xem thêm: Nike Trước Áp1 Lực Cạnh Tranh Khốc Liệt và Sự Sụt Giảm Doanh Thu – Marketo

Theo dõi thêm tại: Fanpage Marketo

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version