Các cuộc “đại chiến” không ngừng giữa Đậu má Mix – MayCha, cùng hình ảnh Nam Dương như người hòa giải giữa Baemin và Gojek, đều là những chiến dịch đã tạo ra sự chú ý lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội.
Đằng sau những cuộc chiến truyền thông này là những “nước đi” khôn ngoan của các thương hiệu, sử dụng Chiến lược Truyền thông Đồng Hợp Tác, hay còn gọi là Piggyback Marketing. Vậy, Piggyback Marketing là gì? Làm thế nào các thương hiệu lớn đã áp dụng chiến lược này để tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả? Hãy cùng khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.
Piggyback Marketing là gì?
“Piggyback Marketing” là một chiến lược tiếp thị đồng hợp tác, trong đó hai hoặc nhiều công ty hợp tác để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Thường thì các bên sẽ hợp tác nhằm “bổ sung” cho nhau, ví dụ như sản phẩm A sẽ cần sản phẩm B để hoàn thiện, thay vì cạnh tranh trực tiếp trong cùng một phân khúc trên thị trường. Đây là một cách hiệu quả để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và tăng nhận thức về thương hiệu.
Chiến lược Piggyback Marketing mở ra cơ hội cho các thương hiệu hoặc doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tệp khách hàng mới mà không cần phải chi tiêu nhiều vào quảng cáo. Ví dụ, một cửa hàng bán lẻ có thể thiết lập một chiến lược Piggyback với một thương hiệu nổi tiếng để phân phối sản phẩm của họ. Qua đó, sản phẩm của cửa hàng bán lẻ có thể tiếp cận khách hàng của thương hiệu nổi tiếng mà không cần tìm kiếm khách hàng mới.
Sự kết hợp này không chỉ giúp thương hiệu nhỏ mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng mà còn tăng cường uy tín và tin cậy thông qua việc liên kết với thương hiệu lớn.
Một hình thức phổ biến khác của Piggyback Marketing là hai hoặc nhiều thương hiệu kết hợp để thực hiện chiến dịch truyền thông hoặc ra mắt một bộ sưu tập chung. Thương hiệu sẽ tận dụng sự nổi tiếng của một chiến dịch quảng cáo hoặc một loạt sản phẩm từ đối tác để tạo sự kết nối hoặc thu hút sự chú ý đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng hình ảnh, thông điệp hoặc yếu tố quảng cáo từ chiến dịch của đối tác để liên kết với sản phẩm/dịch vụ của họ.
Nhờ đó, Piggyback Marketing có thể giúp các thương hiệu thu hút sự quan tâm và tương tác từ khách hàng, cũng như tăng nhận thức về thương hiệu trên thị trường.
Các chiến dịch Piggyback Marketing tiêu biểu
Cuộc đấu giữa Baemin và Gojek, Nam Dương hưởng lợi
Một ví dụ điển hình cho chiến lược Piggy Marketing là cuộc “trò chơi” trên OOH của Baemin và Gojek tại ngã sáu Cộng Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Cả hai thương hiệu đã sử dụng hình ảnh Hari Won và Trấn Thành để tạo ra một cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng:
Baemin: “Em ăn gì, anh đặt BAEMIN giao.”
Gojek đáp: “Ăn gì cũng được, Gojek giao là được!”
Trong khi hai vợ chồng tranh cãi, thương hiệu Nam Dương xuất hiện với thông điệp “Ăn gì, ai giao cũng được, có nước tương NAM DƯƠNG là được” nhằm làm dịu hoà cho cả hai.
Sự xuất hiện của poster Nam Dương đã lan truyền trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý đông đảo. Cả ba thương hiệu Baemin, Gojek và Nam Dương đều nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng nhờ vào cuộc chiến “anh chồng, chị vợ” hài hước này.
“Chuyện tình” Momo – Starbucks – Highlands
Ví MoMo và Starbucks Vietnam đã “hẹn hò” và tán tỉnh nhau thông qua trạng thái trên fanpage. Sau khi đăng tải, trạng thái “kết đôi” của hai thương hiệu này nhanh chóng thu hút gần 30,000 người theo dõi và tương tác.
Ngoài việc đăng trạng thái “hẹn hò”, Ví Momo và Starbucks Vietnam còn thể hiện tình cảm qua các bình luận ngọt ngào dưới bài đăng. Bằng cách tiếp thị trực tuyến thông qua các bình luận, Ví Momo dễ dàng tiếp cận được tệp khách hàng thân quen của Starbucks và ngược lại.
Samsung & Apple: Không Kỳ Thị Dòng Sản Phẩm Nào
Samsung và Apple luôn là hai đối thủ không ngừng “đốt cháy” trong ngành công nghệ. Khi Apple ra mắt dòng iPhone 15 với cổng sạc mới, Samsung đã tranh thủ “khích” Apple với sự thay đổi này thông qua một dòng tweet hài hước. Tương tự, Samsung cũng đã chế giễu Apple khi họ ra mắt iPhone 14 mà không thể gập được.
Không chỉ Samsung mà cả Apple cũng từng đáp trả Samsung thông qua các video quảng cáo. Video của Apple so sánh giữa hệ điều hành IOS và Android, hướng sự chú ý vào các vấn đề mà người dùng Android thường gặp phải.
Cuộc “chơi chiến” giữa Samsung và Apple là một ví dụ rõ ràng cho chiến lược Piggyback Marketing. Mỗi lần “nhá hàng”, Samsung nhận lại sự quan tâm lớn từ người dùng. Bài tweet của Samsung chỉ trong vòng 1 giờ đã nhận được hơn 40k lượt yêu thích và hơn 8k lượt chia sẻ.
Tổng quan, Piggyback Marketing là một trong những chiến dịch có thể tạo ra sự tương tác và thảo luận trên mạng xã hội nhiều nhất. Sử dụng hiệu quả Piggyback Marketing có thể giúp thương hiệu tiết kiệm chi phí và mở rộng mạng lưới khách hàng. Tuy nhiên, việc bắt đầu với một chiến dịch như vậy đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ quá trình phân tích, tìm kiếm “bạn đồng hành” và lập kế hoạch chi tiết. Nếu không, chiến lược này có thể gây hại cho danh tiếng của thương hiệu và dẫn đến khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng.